Nâng cao ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ cơ khí, tự động hóa
Sau 5 năm triển khai, chương trình đã nghiên cứu chế tạo được 71 dây chuyền, máy móc, thiết bị và 3.004 sản phẩm vật chất khác. Hầu hết các sản phẩm được chế tạo lần đầu ở trong và ngoài nước với khả năng ứng dụng cao. Các đề tài, dự án đã và đang tham gia đào tạo sau đại học, với 82 học viên cao học và 17 nghiên cứu sinh, 100% đề tài có kết quả được công bố trên tạp chí KH và CN có uy tín trong nước và quốc tế (175 bài báo trong nước, 3 bài báo trên tạp chí trong danh mục ISI, 41 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận (đã được cấp 2 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp),…
Mặc dù có được nhiều thành công lớn, tuy nhiên, là một trong những chương trình trọng điểm, được sự ủng hộ của nhà nước song chương trình vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: cơ chế, chính sách về tài chính còn nhiều bất cập nhất là thủ tục mua sắm vật liệu, thiết bị; nhiều đề tài, dự án chưa nắm vững các quy định thực hiện đề tài, dự án cấp Nhà nước nên chưa thực hiện đúng và kịp thời các yêu cầu của ban chủ nhiệm chương trình,…
Theo PGS.TS. Nguyễn Chỉ Sáng, chủ nhiệm chương trình KC.03/11-15 cho biết: “Trong quá trình xây dựng các nhiệm vụ và triển khai các đề tài/dự án của chương trình, chúng tôi nhận thấy hai lĩnh vực tự động hóa và cơ khí ngày nay luôn gắn liền với nhau để đảm bảo các thiết bị, hệ thống có thể hiệu quả. Nhiều kết quả đề tài được đánh giá cao, thay thế được hàng nhập ngoại, đây chính là một tiền đề rất khích lệ và tạo điều kiện cho các bước phát triển tiếp theo”.